Khi đứng tư vấn tại nhà thuốc, mình gặp khá nhiều câu hỏi rằng liệu thuốc này có an toàn cho phụ nữ mang thai không? Hoặc bạn lỡ uống thuốc ngừa thai khẩn cấp sau quan hệ mà có thai thì có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Điều mà mẹ bầu lo lắng nhất khi uống thuốc chắc hẳn không phải là tác dụng phụ của thuốc trên cơ thể của mình mà lo lắng liệu thuốc đó có gây dị tật thai nhi không? Thuốc đó có làm bé chậm phát triển hay không?
Một thuốc ảnh hưởng đến thai nhi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tùy vào trường hợp cụ thể, khi kê một loại thuốc nào cho phụ nữ mang thai, Bác sĩ cũng phải cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích của mẹ và thai nhi.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số các yếu tố ảnh hưởng đến độc tính của thuốc lên thai nhi và nguyên tắc sử dụng thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai nhé.
Một số yếu tố quyết định thuốc ảnh hưởng lên thai nhi
Khả năng vận chuyển thuốc từ mẹ vào thai nhi
Một thuốc có qua được nhau thai hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Tính thân dầu: thuốc thân dầu có xu hướng qua nhau thai dễ dàng hơn
- Kích thước phân tử: thuốc có kích thước phân tử nhỏ qua nhau thai dễ dàng
- Thuốc không gắn với protein huyết tương
- Thuốc không bị ion hóa
Qua đây, không phải tất cả các thuốc đều qua nhau thai. Không phải tất cả các thuốc đều gây hại cho thai nhi.
Ví dụ: Insulin có kích thước to, cồng kềnh nên không thể qua nhau thai. Chính vì vậy, Insulin an toàn cho thai nhi khi mẹ dùng Insulin trong kiểm soát đường huyết.
Liều lượng và thời gian sử dụng thuốc của người mẹ
Mức độ thuốc qua nhau thai còn tùy thuộc vào liều thuốc mẹ sử dụng, mẹ sử dụng liều càng thấp càng tốt. Tuy nhiên, liều thuốc này phần lớn do bác sĩ/dược sĩ chỉ định.
Thời gian dùng thuốc của mẹ càng ngắn ngày càng tốt. Tất nhiên, những thuốc điều trị những bệnh mạn tính, kháng sinh thì bạn cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ.